Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Facebook bỗng dưng lại muốn thành bạn tri kỷ của Microsoft, tại sao vậy?

Vì sao Facebook lẩn tránh Windows Store?
Như vậy là sau… 4 năm trì hoãn và rất nhiều lần hứa hẹn, cuối cùng Facebook đã đưa 3 ứng dụng Facebook, Messenger và Instagram "chính chủ" lên Windows Store. Tại sao Facebook lại lựa chọn thời điểm này?
Câu trả lời nằm ở một câu hỏi khác:có mặt trên càng nhiều nền tảng càng tốt, nhưng vì sao Facebook không đưa app của mình lên Windows Store trong suốt 4 năm vừa qua? Lý do rất đơn giản: Windows Store ra mắt ban đầu với mục đích đẩy mạnh các ứng dụng cảm ứng trên 2 hệ điều hành không được lòng người dùng là Windows Phone và Windows 8. Windows Phone đến nay coi như đã chết, còn Windows 8 thì quá bất tiện với nhóm người dùng chính của Windows truyền thống (chuột, bàn phím). Ở tình thế này, Facebook thực chất chẳng bỏ lỡ bất cứ điều gì khi không ra mắt ứng dụng cho Windows 8.
 Thành công của Windows 10 mang ý nghĩa quyết định với Facebook.
Thành công của Windows 10 mang ý nghĩa quyết định với Facebook.

Đến năm 2016, mọi chuyện đã khác. Windows 10 Mobile và Windows Phone coi như đã chết, nhưng đến đầu năm nay Windows 10 thì đã nhận được 200 triệu lượt tải. Rõ ràng là nhiều người ưa thích sự kết hợp nhuần nhuyễn của Live Tile vào Start Menu, giao diện "cũ mà mới" tập trung cho người dùng chuột, bàn phím truyền thống và dĩ nhiên là cả mức giá miễn phí của Windows 10. Khi ra mắt ứng dụng Facebook và Messenger "chính chủ" cho hệ điều hành này, Facebook sẽ tìm thấy sợi dây trói buộc 200 triệu người dùng vào 2 nền tảng quan trọng nhất của mình qua các notification hiển thị trên Start Menu, vốn là giao diện được nhiều người truy cập nhất khi sử dụng Windows.
Nền desktop là vậy, còn ứng dụng Instagram trên Windows 10 Mobile có lẽ chỉ là để chữa thẹn cho ứng dụng Instagram "thảm họa" trên Windows Phone 8 trước đây. Song, cũng có thể Facebook đã nhìn ra hướng đi tất yếu của Microsoft trong tương lai là ra mắt Windows 10 thực thụ trên nền tảng di động (rất có thể là qua Surface Phone). Đón đầu trước bằng một ứng dụng đơn giản cũng sẽ không khiến Facebook mất quá nhiều công sức.

Dĩ nhiên, Facebook hoàn toàn có thể ra mắt các ứng dụng này từ rất lâu, nhưng việc đưa sản phẩm hoàn thiện lên một nền tảng mới chưa bao giờ là dễ dàng, kể cả với các công ty lớn như Facebook. Sự góp mặt của 2 ứng dụng Facebook và Messenger trên Windows 10 có thể coi là minh chứng cho thành công của Microsoft khi xây dựng nền tảng mới.
Facebook đã nhịn nhục Google quá lâu
Dĩ nhiên là sau bất cứ một quyết định nào của các ông lớn công nghệ cũng sẽ là những mưu toan lâu dài. Không phải cứ nền tảng nào có nhiều người dùng là thu hút được ứng dụng, đặc biệt là ứng dụng của các ông lớn hàng trăm tỷ đô.
Facebook có mưu toan gì?
Hãy nhìn vào vị thế hiện tại của Facebook. Ban đầu, mạng xã hội này phổ biến qua nền web. Đến khi cuộc cách mạng smartphone thực sự bùng nổ vào khoảng 2010, 2011 thì Facebook cũng khẳng định vị thế thống trị mảng mạng xã hội qua cơn nghiện notification của người dùng.
Sống trên nhà của đối thủ lớn nhất hẳn là không sung sướng gì.
Sống trên "nhà" của đối thủ lớn nhất hẳn là không sung sướng gì.

Vấn đề là ở chỗ cả 2 nền tảng web và di động đều có dấu chân quá rõ nét của "đại địch thủ" Google. Gã khổng lồ tìm kiếm đã dùng Chrome để chiếm ngôi trình duyệt desktop, dùng Android để áp đảo iOS về thị phần.Về bản chất, Google là một công ty quảng cáo quảng cáo giống như Facebook, cạnh tranh trực tiếp với Facebook về nguồn sống là thông tin cá nhân của người dùng. Sự trỗi dậy của một mạng xã hội luôn thu hút được những thông tin xác thực và gần gũi (bạn là ai, bạn bè bạn là ai, thích cái gì…) như Facebook đã luôn là cái gai trong mắt của Google.
Gã khổng lồ tìm kiếm đã không thể nhổ đi cái gai đó bằng Google+ nhưng vẫn có nhiều cách khống chế. Muốn tận dụng notification trên Android mà không thông qua nền tảng Cloud Messaging của Google? Chúc may mắn. Muốn tạo ra ứng dụng Facebook di động nhanh nhạy cho kết nối 2G rất phổ biến tại các quốc gia đang phát triển? Google chắc hẳn là có bán license dành cho những tính năng cải tiến ở mức cao hơn thông thường.
Loại bỏ cái gai trong mắt của cả Microsoft và Facebook

Trở lại với mối quan hệ mới nồng ấm giữa Facebook và Microsoft, vốn cũng rất ghét Google. Microsoft đã từ bỏ hoàn toàn mảng quảng cáo mạng vào năm 2015 mà do đó không còn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Facebook nữa. Thực chất, ngoại trừ cuộc đua chatbot mới khởi tranh thì Microsoft và Facebook gần như không có mâu thuẫn. Ngay cả cuộc cách mạng chatbot-trợ lý ảo của 2 bên cũng không phải là không tương thích, bởi chatbot của Microsoft không chỉ hỗ trợ Skype mà còn tương thích với rất nhiều các nền tảng chatbot khác. Nếu Facebook không muốn kết hợp với Microsoft, các API siêu việt mà gã khổng lồ phần mềm cung cấp cũng sẽ giúp ích cho các sản phẩm của Mark Zuckerberg.
Microsoft còn có một vũ khí tiềm tàng là chiếc Surface Phone chưa ra mắt – chiếc điện thoại hứa hẹn sẽ hiện thực hóa tầm nhìn điện toán "tất cả trong một" khi có thể biến hình thành laptop và desktop. Không rõ Facebook có nắm biết điều này hay không, nhưng nếu chiếc smartphone đó thực sự ra mắt, vị thế của Google sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Thực chất, nếu xét riêng về mặt phần mềm thì trải nghiệm của bạn đang được chia làm 4 thị trường chính: hệ điều hành PC do Microsoft làm chủ; hệ điều hành di động và các dịch vụ số (tìm kiếm, bản đồ, email, trợ lý ảo) do Google làm chủ; và cuối cùng là mạng xã hội cùng dịch vụ nhắn tin do Facebook thống trị. Microsoft đang không chỉ ấp ủ Surface Phone mà còn có khả năng sẽ cùng đồng minh Oracle hất cẳng Google ra khỏi Android. Với phần đông người dùng phổ thông, dịch vụ Microsoft cũng có thể thay thế Google. Vậy nên những tên tuổi căm ghét Google như Facebook chẳng có lý do gì mà không tiến lại gần Facebook cả.
Microsoft chỉ có thể trở lại làm vua nếu ra mắt Surface Phone.
Microsoft chỉ có thể trở lại làm vua nếu ra mắt Surface Phone.

Kịch bản vẽ ra ở đây rất đẹp cho cả 2 bên: các ứng dụng Facebook sẽ được lựa chọn làm trọng tâm của Windows 10, hệ điều hành chắc chắn sẽ bao trùm thế giới PC và cả Internet of Things. Sự hỗ trợ mạnh mẽ của Facebook cũng sẽ giúp cho Windows 10 của ngày hôm nay và Surface Phone của ngày mai tăng tối đa sức hút với người dùng hơn. Sự thống trị này mang màu sắc của "Wintel" ngày trước, và rõ ràng là Google không có phần trong đó.
Đón đầu tương lai
Không chỉ góp phần loại bỏ một đối thủ mà cả Microsoft lẫn Facebook đều ghét cay ghét đắng, một mối quan hệ nồng ấm giữa hai bên sẽ còn giúp đón đầu một cuộc cách mạng quan trọng đang ngấp nghé: thực tại ảo.
Khi nhìn vào thị trường VR hiện tại, bạn sẽ thấy Microsoft và Facebook tương thích ở mức độ tối đa có thể. Facebook sở hữu công nghệ VR tiên phong nhờ mua lại Oculus, còn Microsoft hiện tại đang sở hữu nền tảng PC duy nhất tương thích với VR. Hãy nhớ rằng Mac OS không có phần cứng mạnh mẽ còn Linux thì thậm chí còn chưa có nhiều game "thường" chứ đừng nói tới game thực tại ảo. Với động thái ra mắt một số tựa game qua Windows Store, Microsoft cũng đang mang tham vọng hất cẳng nền tảng Steam của Valve, vốn hiện tại đã chọn HTC Vive làm mũi nhọn phần cứng VR chứ không thèm đoái hoài tới Oculus của Facebook.
Oculus của Facebook sẽ có lợi thế lớn khi tìm được sân nhà trên đất của Microsoft.
Oculus của Facebook sẽ có lợi thế lớn khi tìm được sân nhà trên đất của Microsoft.

Dĩ nhiên là chúng ta cũng không thể bỏ qua console. Sony thì đã tự phát triển phần cứng VR riêng cho PlayStation, Nintendo nếu còn sống được lâu dài chắc chắn cũng sẽ làm vậy. Chiếc Xbox của Microsoft hiện tại là đối thủ duy nhất cùng tầm vóc với PlayStation, nhưng lại chưa có giải pháp công nghệ phần cứng nào cả.
Nói cách khác, nền tảng của Microsoft đang sẵn sàng kết hợp cùng công nghệ VR của Facebook.
Chuyển sang một lĩnh vực rất gần với VR là AR (thực tại hỗ trợ, "chèn" thông tin và vật thể số vào khung cảnh thực). Trong khi VR rất phù hợp với game và video thì AR lại phù hợp hơn với công việc và giao tiếp liên lạc. Nhắc tới giao tiếp liên lạc là nhắc tới Facebook, còn nhắc tới AR là nhắc tới Microsoft. Ngoại trừ chiếc HoloLens của Microsoft, lĩnh vực AR đang tỏ ra hoàn toàn trống vắng sau thất bại đến muối mặt của Google. Một lần nữa, AR sẽ là chiếc giường nồng ấm cho Microsoft và Facebook kết đôi.
 Microsoft có thể dễ dàng chia một góc của HoloLens cho Facebook.
Microsoft có thể dễ dàng "chia" một góc của HoloLens cho Facebook.

Nói tóm lại, bạn sẽ không thể tìm ra một "bộ đôi khổng lồ" nào đẹp đôi hơn Microsoft và Facebook lúc này. Vậy thì, Satya Nadella và Mark Zuckerberg còn cần chờ đợi gì nữa nhỉ?

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Apple năm thứ 10 liên tiếp là công ty sáng tạo nhất thế giới

Mới đây, Boston Consulting Group (BCG) - công ty chuyên nghiên cứu dữ liệu doanh nghiệp đã công bố danh sách 50 công ty sáng tạo nhất năm 2015. Đáng chú ý, những tập đoàn công nghệ khổng lồ đều chiếm giữ nhiều vị trí trong top đầu. Một vài thông tin thú vị từ danh sách này:
- Apple 10 năm liên tiếp đoạt danh hiệu công ty sáng tạo nhất thế giới, theo ngay sau là Google (năm thứ 2 liên tiếp).
- Với những cống hiến và đam mê không mệt mỏi của CEO Elon Musk, Tesla đã nhảy vọt lên vị trí thứ 3 (chỉ xếp thứ 41 năm 2013).
- Microsoft vươn lên vị trí thứ 4 dưới bàn tay của CEO gốc Ấn Satya Nadella với những thiết bị được ưa chuộng như SurfaceBook, Surface Pro 4 hay Lumia 950.
- Facebook - mạng xã hội lớn nhất hành tinh chỉ xếp thứ 28.
- Gilead Sciences, Biogen, Marriott, Netflix, AXA, Allianz, Tata Motors, Fidelity, Visa, Roche, NEC, BT Group và MasterCard là những cái tên lần đầu được góp mặt trong dach sách này.
- 79% CEO của các tập đoàn cho rằng việc đổi mới, sáng tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu của họ.
- 50% CEO cho rằng sự phát triển của công nghệ sẽ thay đổi ngành công nghiệp của họ trong 3-5 năm tới.




 Danh sách 50 công ty sáng tạo nhất thế giới
Danh sách 50 công ty sáng tạo nhất thế giới

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

LG mở rộng thị trường cho dế vỏ kim loại Zero

Zero, chiếc smartphone tầm trung vỏ kim loại của LG chuẩn bị lên kệ tại nhiều thị trường mới.
Trang PhoneArena liệt kê các thị trường sẽ tiếp tục lên kệ lần này của LG Zero bao gồm Đài Loan, các nước Châu Âu, Châu Á và Mỹ La Tinh.
Được gọi là LG Class ở thị trường Hàn Quốc, Đức, Nga và Singapore, LG Zero là một mẫu smartphone tầm trung chạy hệ điều hành Android 5.1 Lollipop. Máy được dự kiến là sẽ nâng cấp lên Android 6.0 Marshmallow trong thời gian tới.
LG Zero sở hữu màn hình 5 inch HD, chạy vi xử lý Snapdragon 410, RAM 1,5 GB và có một biến thể RAM 2 GB tại thị trường Hàn Quốc. Máy cũng hỗ trợ kết nối LTE, camera 13MP ở mặt sau và camera 8MP ở mặt trước.
LG Zero sở hữu bộ nhớ trong 16GB, hỗ trợ thẻ nhớ microSD và viên pin dung lượng 2.040 mAh. Máy có trọng lượng 146 gram và dày 7,4 mm.
Tại thị trường Châu Âu, LG Zero/Class có giá khoảng 316 USD (7,2 triệu đồng) cho bản mở khóa. Tại thị trường Mỹ, nhà mạng AT&T được cho là sẽ phân phối sản phẩm này của LG.

Adobe đổi tên Flash Pro thành Animate CC, chuẩn bị 'khai tử' Flash?

Theo thông tin mới nhất từ Adobe thì công ty này đang chuẩn bị khai tử công cụ Flash, Flash Pro và sẽ phát hành một công cụ mới với tên gọi là Animate CC.
Adobe đổi tên Flash Pro thành Animate CC, chuẩn bị 'khai tử' Flash?
Flash từng là "đứa con cưng" của các nhà thiết kế web vì hỗ trợ tốt cho việc thể hiện các tập tin đa phương tiện hay các hiệu ứng động. Tuy nhiên, gần đây Flash liên tiếp mắc phải các lổ hỗng bảo mật nghiêm trọng khiến cho các website sử dụng công cụ này đứng trước nguy cơ biến thành "món mồi ngon" cho các hacker tấn công.
Chính vì vậy nhiều tên tuổi lớn trong làng công nghệ như Facebook, Apple đã kêu gọi Adobe khai tử Flash càng sớm càng tốt. Các chuyên gia công nghệ còn viện dẫn hàng loạt lý do khác khiến cho thế giới Internet không còn cần đến Flash nữa như chuẩn HTML5 và WebGL là an toàn và tiên tiến hơn.
Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận việc Flash đã làm tốt vai trò lịch sử của nó, ít nhất là trong giai đoạn HTML5 và WebGL mới chỉ là những ý tưởng và đang được thử nghiệm và nhiều năm trước đó. Khi đó, Flash là một yếu tố không thể thiếu để tạo ra các nội dung tương tác, như trò chơi trên trình duyệt và trình nghe nhạc chơi video trên web. Tuy nhiên, khi Flash liên tục xuất hiện các lỗ hổng bảo mật, giới thiết kế web đã dần chuyển sang các công nghệ tiêu chuẩn hơn và linh hoạt hơn và đây là một xu hướng tất yếu mà Adobe cũng không thể đi ngược.
Theo Adobe, nhiều năm qua công ty đã nghiên cứu để giúp các bản cập nhật của Flash ngày càng hỗ trợ tốt hơn cho HTML5 và WebGL. Trong suốt quá trình này, 1/3 các nội dung được sản xuất từ Flash Professional không còn thật sự là Flash nữa mà nó đã gần tương tự như HTML5. Vì vậy, cái tên không còn là mục đích của Adobe nữa và công ty này đang xúc tiến để đổi tên ứng dụng sản xuất Flash sang thành Adobe Animate CC. Tất nhiên, đây không chỉ là sự thay đổi trong cách gọi mà các bản cập nhật của công cụ này trong tương lai cũng sẽ làm việc tốt với các công cụ và thư viện của dịch vụ đám mây Adobe Creative Cloud.
Ngay cả Primetime, nền tảng truyền hình của Adobe cũng sẽ thay đổi cho hợp với chính sách này. Adobe phát hành một bộ TVSDK mới riêng cho HTML5 giúp các nhà phát triển tạo ra các nội dung cho nhiều thiết bị hơn, kể cả trên những thiết bị trước đây không hỗ trợ Flash.
Tất nhiên, trên thực tế, Adobe cũng không loại bỏ hoàn toàn Flash mà công cụ Animate CC vẫn hỗ trợ tốt cho định dạng SWF và cũng chưa có lộ trình cụ thể cho việc ngừng hỗ trợ chúng trong tương lai gần.


Thiếu Nữ Tưới Hoa

...