OPPO Neo 7 là smartphone giá rẻ mới kế nhiệm chiếc Neo 5 ra mắt năm
ngoái. Sản phẩm này vẫn đi theo triết lý trên các điện thoại OPPO (Trung Quốc)
gần đây là tập trung vào thiết kế với cấu hình vừa phải, thậm chí là hơi đuối so
với các sản phẩm cùng tầm giá.
Neo 7 bắt đầu bán tại thị trường Việt
Nam vào cuối tháng 10 với giá 3,99 triệu đồng. Ngay sau khi ra mắt, sản phẩm này
nhận được được khá nhiều phản hồi tiêu cực về cấu hình không mấy ấn tượng, đặc
biệt là độ phân giải màn hình qHD (960 x 540 pixel) và bộ nhớ RAM 1GB tương đối
hạn chế so với nhiều máy tầm giá 4 triệu đồng hiện nay.
Nhưng nếu để ý thì một vài sản phẩm
khác của OPPO gần đây như Mirror 5, R7 Lite và Neo 5 trước đó cũng không có ưu
thế về cấu hình mà tập trung nhiều vào khía cạnh thiết kế. Có vẻ như OPPO đang
thành công với chiến lược này, minh chứng rõ rệt nhất là các sản phẩm của họ gần
đây liên tục có mặt, thậm chí áp đảo chỉ sau Samsung trong top 10 điện thoại bán
chạy nhất theo thống kê hàng tháng từ các hệ thống bán lẻ lớn.
Tuy vậy, chắc hẳn nhiều bạn đọc sẽ vẫn
băn khoăn với RAM 1GB và màn hình độ phân giải qHD thì trải nghiệm của Neo 7
trong thực tế sẽ như thế nào? Liệu với cấu hình như vậy, người dùng có phải đánh
đổi trải nghiệm để lấy thiết kế bắt mắt hay không?
Thiết kế
Có thể nói đây là điểm sáng nhất của
Neo 7. Điện thoại này có thiết kế vuông vắn hơn Neo 5 và giống với chiếc Mirror
5 gần đây về kiểu dáng. Máy hiện có hai lựa chọn màu là trắng viền màu vàng và
đen viền màu bạc. Sản phẩm chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá đánh là phiên
bản trắng viền vàng, được phối màu với nhau ăn khớp và màu sắc trông trang
nhã.
Phom dáng của Neo 7 trông giống với
Mirror 5, các cạnh vuông vắn, bo nhẹ ở các góc để đỡ cấn tay và mặt lưng phẳng
tháo ra được để lắp hai SIM cùng thẻ nhớ ngoài. Mặt lưng của máy sử dụng chất
liệu nhựa bề mặt bóng trông dễ nhầm là chất liệu kính. Theo nhà sản xuất thì bề
mặt lưng của điện thoại này được phủ lớp sợi thuỷ tinh để tăng độ cứng cáp và
đàn hồi, có thể uốn cong được. Mặt lưng này cũng khá bám vân tay nhưng rất may
là trên phiên bản màu trắng thì các vết vân tay khó nhận ra. Phiên bản màu đen
thì dấu vân tay sẽ dễ thấy hơn.
Viền máy bằng nhựa được phủ sơn
trông như kim loại. Thân máy có độ dày và trọng lượng vừa phải (7,55mm,
142g)
Không chỉ mặt lưng dễ gây nhầm lẫn là
kính mà viền máy cũng dễ khiến người dùng lầm tưởng là bằng kim loại. Thực chất,
khung máy của Neo 7 làm bằng nhựa, được phủ lớp sơn màu kim loại. Tuy là chất
liệu nhựa nhưng Neo 7 vẫn có được cảm nhận khá chắc chắn, bấm vào không thấy chỗ
nào bị ọp ẹp. Các chi tiết khác như các phím nguồn, âm lượng, cổng âm thanh và
USB… đều có độ hoàn thiện tốt. Duy chỉ có một chi tiết không hợp lý là dải loa
ngoài đặt ở mặt lưng được thiết kế phẳng nên âm lượng bị suy giảm nhiều khi đặt
máy trên các mặt phẳng để nghe nhạc hay xem phim.
Loa ngoài có âm lượng khá lớn nhưng
do được đặt ở phía sau mặt lưng phẳng nên âm lượng bị nhỏ đi nhiều khi để máy
trên bàn hoặc các mặt phẳng khác.
Nhìn tổng thể, Neo 7 có hình thức đẹp,
màu sắc trang nhã, chất lượng lắp ráp khá chắn chắn và các chi tiết trên máy có
độ hoàn thiện tốt. Máy cũng mang lại cảm giác cầm dễ chịu trong quá trình sử
dụng. Có thể nói Neo 7 là smartphone nổi bật về thiết kế ở tầm giá 4 triệu đồng
hiện nay.
Máy hỗ trợ 2 SIM, một SIM chuẩn
Micro và 1 SIM chuẩn Nano, khe cắm thẻ nhớ và pin liền, nằm phía dưới khung
nhựa.
Màn hình
Màn hình của Neo 7 có thông số tương tự
chiếc Mirror 5: kích cỡ 5 inch, tấm nền IPS LCD độ phân giải độ phân giải qHD
(960 x 540 pixel) với mật độ điểm ảnh 220 PPI.
Điểm bị chê nhiều nhất ở màn hình này
là độ phân giải thấp bởi hầu hết máy ở tầm giá này, kể cả những sản phẩm của
Samsung, cũng đang dùng độ phân giải HD, thậm chí có máy là Full-HD. Tuy vậy
trong sử dụng thực tế, độ phân giải này không đáng ngại như khi nhìn vào thông
số, vẫn đủ đảm bảo cho việc sử dụng hàng ngày. Sự chênh lệch về độ phân giải so
với các màn hình HD chỉ thấy được khi so sánh cạnh nhau, chữ và viền của các
biểu tượng ứng dụng trên màn hình của Neo 7 hiển thị bị rỗ hơn chút, không mịn
và sắc cạnh được như màn HD.
Xét trên tổng thể cấu hình và dung
lượng pin của Neo 7, việc hạ độ phân giải tuy có giảm chút về độ chi tiết nhưng
mang lại sự cải thiện về hiệu năng và thời lượng pin. Có thể đây là lý do mà nhà
sản xuất chọn độ phân giải qHD cho Neo 7, chứ không phải là HD.
Điểm tôi thấy thấy không thích trên màn
hình của Neo 7 không phải là độ phân giải thấp mà là nhiệt màu bị ám hồng hơi
nhiều, khiến cho tổng thể màn hình trông khá đục. Ngoài điểm này ra, các yếu tố
còn lại của màn hình đều ổn: độ sáng tối đa khá cao, độ tương phản tốt và góc
nhìn ở mức trung bình khá.
Bảng đo màn hình của Neo 7 so với
một số sản phẩm. Kết quả cho thấy màn hình Neo 7 có độ sáng tối đa, khả năng
hiển thị màu đen sâu và độ tương phản tương đương Mirror 5 nhưng nhiệt màu và độ
chính xác màu kém hơn.
Biểu đồ không gian màu màn hình của
Neo 7 cho thấy các màu sắc cơ bản hiển thị lệch nhiều so với màu sắc chuẩn.Thực
tế, màn hình này hiển thị màu sắc đậm hơn so với màu tiêu
chuẩn.
Màn hình của Neo 7 cũng có chế độ hiển
thị riêng cho việc sử dụng máy vào ban đêm. Chế độ này được OPPO gọi là chế độ
bảo vệ mắt, lọc bớt ánh sáng xanh nên màn hình chuyển sang màu hồng nhạt, trông
dịu và tối hơn.
Phần mềm và hiệu năng
Phần mềm của Neo 7 hiện đang chạy
ColorOS 2.1 được OPPO tuỳ biến dựa trên phiên bản Android 5.1 của Google. Cả
giao diện và các chức năng phần mềm cơ bản đều giống với những smartphone OPPO
chúng tôi đánh giá gần đây như Mirror 5 và R7 Lite nên chúng tôi sẽ không nêu
chi tiết về phần mềm của Neo 7 nữa, mời bạn đọc tìm hiểu trong bài đánh giá
Mirror 5 tại đây hoặc R7 Lite tại đây.
Về hiệu năng, OPPO Neo 7 chính hãng có
cấu hình khiêm tốn với vi xử lý MediaTek MT6582 lõi tứ 1.3GHz, GPU Mali-400MP
cùng chỉ 1GB RAM. (Neo còn có phiên bản khác không bán tại Việt Nam sử dụng vi
xử lý Snapdragon 410 và hỗ trợ LTE 4G, bản bán ở Việt Nam chỉ hỗ trợ 3G). Nếu
bạn nghĩ với thông số này máy sẽ lag và giật tưng bừng thì bạn đã nhầm. Như đã
đề cập ở trên, việc lựa chọn độ phân giải màn hình thấp cũng là một điểm khôn
khéo giúp giảm gánh nặng cho CPU và GPU.
Kết quả là Neo 7 vẫn có có hiệu năng
khá ổn với các hoạt động cơ bản và chơi được các thể loại game hiện nay từ nhẹ
đến nặng như Real Racing 3 hay Dead Trigger 2. Tuy nhiên, RAM nhỏ nên xử lý đa
nhiệm cũng bị hạn chế và máy chỉ hỗ trợ đa nhiệm tối đa 5 ứng dụng, các ứng dụng
trước đó đều phải tải lại từ đầu.
Máy có bộ nhớ trong 16GB, trong đó còn
khoảng 11,5 GB trống dành cho người dùng lưu dữ liệu và cài đặt ứng dụng. Đây là
dung lượng ở mức cao so với các sản phẩm cùng tầm giá. Ngoài ra, máy cũng có khe
cắm thẻ để mở rộng bộ nhớ thêm khi cần.
Thời lượng pin
Pin của Neo 7 có dung lượng 2420 mAh,
mức trung bình khá so với cấu hình của máy. Kết quả đánh giá về hoạt động gọi
điện, lướt web, xem phim và chơi game cho máy có thời lượng pin ở mức khá so với
các sản phẩm cùng tầm giá. Lưu ý là các kết quả tính thời lượng pin phía dưới
được tính từ lúc pin đầy 100% đến khi còn 10%, không phải là đến khi hết kiệt.
Bạn đọc quan tâm có thể xem thêm cách đánh giá pin của VnReview tại
đây.
Thời gian gọi điện liên tục thực
hiện trên mạng 3G
Lướt web trên mạng Wi-Fi, độ sáng
và âm lượng 70%
Xem phim HD trên máy, độ sáng và âm
lượng 70%
Đánh giá thời gian pin chơi game
giả lập trên ứng dụng GFX Bench
Camera
Neo 7 có camera sau 8MP với một đèn
flash trợ sáng và camera trước 5MP để chụp ảnh tự sướng. Ứng dụng camera của máy
có giao diện trực quan và cung cấp nhiều tính năng gồm HDR, ảnh động GIF, phơi
sáng kép, toàn cảnh, ảnh làm đẹp (mịn da) và ảnh chụp có kèm âm
thanh.
Trải nghiệm thực tế, camera của Neo 7
có tốc độ lấy nét và chụp khá nhanh. Với môi trường sáng thuận lợi, ảnh có màu
sắc tự nhiên, độ chi tiết ảnh ở mức vừa phải và được xử lý mịn nên trông trên
màn hình điện thoại khá đẹp mắt. Nhưng nếu đưa lên máy tính, dễ nhận thấy dải
sáng của ảnh không rộng, bị lốp sáng và ám tím. Với những tình huống khó như
chụp chênh sáng, máy cũng thể hiện không tốt khi để mất nhiều chi tiết, khó đo
sáng chuẩn. Trong khi đó, ở môi trường ánh sáng yếu, tốc độ lấy nét vẫn khá ổn
nhưng ảnh thường được đẩy sáng lên cao nên dễ bị nhiễu hạt, tốc độ chụp thấp
khiến ảnh cũng dễ mờ nhòe.
Một số ảnh chụp từ camera sau 8MP
của Oppo Neo 7 (bấm vào hình để xem kích thước lớn)
Các ảnh trên chụp ở chế độ tự
động
Ảnh chênh sáng thì máy thể hiện
không tốt
Ảnh chụp tự
động
Ảnh chụp ở chế độ HDR của bức ảnh
trên lấy được nhiều chi tiết hơn nhưng trông không được tự
nhiên
Ảnh chụp tự động ở môi trường sáng
trong nhà thường dễ mờ nhòe, nhiễu hạt
Camera trước 5MP của Neo 7 có tích hợp
sẵn chế độ làm đẹp da theo 3 mức: vừa, mạnh, yếu hoặc tắt hẳn đi. Tuy nhiên,
ngay ở chế độ làm đẹp yếu, Neo 7 tỏ ra khá "mạnh tay" khi làm đẹp da hơi quá đà
khiến làn da trông không còn tự nhiên, các chi tiết khác như tóc, khung cảnh
xung quanh cũng bị mờ đi. Nếu tắt hẳn chế độ làm đẹp, ảnh selfie từ camera trước
của máy ở mức khá, màu sắc tự nhiên và tương đối sắc nét.
Ảnh selfie từ camera
trước không sử dụng chế độ làm đẹp da (bên trái) và sử dụng chế độ làm đẹp
da ở mức yếu (bên phải)
Kết luận
Ưu thế lớn nhất của OPPO Neo 7 so với
các sản phẩm cùng tầm giá hiện nay là thiết kế đẹp, trông bóng bẩy và khá sang.
Cấu hình không phải là ưu thế nhưng sự lựa chọn độ phân giải thấp giúp cho sản
phẩm vẫn có được trải nghiệm tốt và thời lượng pin cũng ở mức khá. Camera cũng
có tốc độ chụp nhanh và chất lượng chấp nhận được với nhu cầu chia sẻ và xem
trên các thiết bị di động.
Video đánh giá nhanh Oppo Neo
7