Kể từ khi ra mắt, BPhone đã luôn là tâm
điểm của giới công nghệ Việt Nam lẫn người dùng. Người người nói về BPhone, nhà
nhà nói về BPhone. Trong đó, 2 yếu tố được người Việt nhắc tới nhiều nhất về sản
phẩm này chính là "nổ" và "Made in Vietnam".
Về từ "nổ", có thể tạm hiểu là phóng
đại, ở đây ám chỉ phương thức truyền thông "có 1 nhưng nói 9, nói 10" của BKAV.
Trong khi đó, cụm từ "Made in Vietnam" liên quan tới BPhone lại đang đánh vào
tâm lý ủng hộ sản phẩm nước nhà của người Việt.
BPhone ra mắt có lẽ là sự kiện công
nghệ lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay.
Dù là "nổ" hay "Made in Vietnam" thì
không thể phủ nhận BPhone đã gây nên một cơn sốt truyền thông chưa từng có trong
lịch sử công nghệ nước nhà. Người người biết tới BPhone, nhà nhà nghe danh BKAV,
báo chí liên tiếp đưa hình CEO Nguyễn Tử Quảng lên trang
nhất...
Mà ít ai để ý rằng, có những thương
hiệu khác nữa đang cười thầm sung sướng khi BPhone được tâng lên tận mây
xanh...
Xiaomi: bỗng dưng "sa chĩnh gạo"
Nếu chịu khó quan sát hầu hết những
cuộc bàn luận sôi nổi trên mạng về BPhone, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những so
sánh giữa siêu phẩm của BKAV và Xiaomi, rằng Mi4 dùng tốt hơn, nhưng giá lại rẻ
hơn. Hoặc những bình luận dạng, "tôi thà mua Xiaomi Mi4 còn hơn." Những người
thốt ra câu ấy thực sự tự tin với khẳng định của mình vì họ tin tưởng tuyệt đối
vào sản phẩm đến từ "Apple của châu Á" này.
Xiaomi Mi4 được tung ra vào năm ngoái,
cấu hình tương tự BPhone, nhưng giá bán chỉ khoảng 6,5 triệu đồng - rẻ hơn tới
40%. Đó là chưa kể tới thương hiệu Xiaomi đã được chính một bộ phận không nhỏ
người dùng Việt khẳng định là rẻ, bền, đẹp, gia công tỉ mỉ không kém gì Apple
qua các đời sản phẩm.
BKAV và BPhone hóa ra chưa phải là
những người hưởng lợi nhất từ sự kiện họ tổ chức.
Cũng xin bạn đừng vội nóng mặt, thực
chất, đây chỉ là những so sánh mang tính hình tượng. Tuy nhiên, không thể phủ
nhận, Xiaomi đã phần nào chiếm được cảm tình của người dùng trong nước, hoặc ít
nhất, chúng ta đã ý thức được giá trị thực sự của một sản phẩm công
nghệ.
Chúng ta đều biết rằng, với nền công
nghiệp sản xuất mạnh mẽ của Trung Quốc, những mặt hàng công nghệ phổ thông như
smartphone hay tablet của người Việt làm ra chắc chắn sẽ có chi phí sản xuất đắt
đỏ hơn so với các sản phẩm của nước bạn.
Rõ ràng, trong bầu không khí sục sôi
ủng hộ hàng Việt trên mọi mặt trận hiện nay, cái tên Xiaomi lại được đặt lên
trên một sản phẩm trong nước như là một thương hiệu đã được khẳng định, quên hẳn
cái mác "đồ Trung Quốc". Do đó, ở đây có thể thấy, gần như nhà sản xuất Trung
Quốc chẳng phải bỏ một đồng quảng cáo, nhưng hiệu quả sau sự kiện BPhone lại rất
bất ngờ.
Họ được xếp trên cả BPhone, sản phẩm
của họ được chính người Việt đem ra để so sánh. Một công đôi việc, chắc chắn,
con đường thâm nhập vào thị trường di động Việt Nam của Xiaomi năm nay sẽ nở
hoa. Phải chăng, linh tính được điều này nên Xiaomi đã âm thầm thâm
nhập vào Việt Nam?
BPhone: Hiệu quả từ "bom" truyền thông
Trong sự kiện có thể nói là "long trời
lở đất" tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia vào ngày 26/5 vừa qua, BKAV chắc chắn đã
phải "ăn mừng" về hiệu quả truyền thông liên quan tới BPhone, từ một thương hiệu
chẳng mấy ai quan tâm, nhưng giờ đây lại nổi hơn cồn.
Cách truyền thông theo kiểu "nổ" đã
khiến BPhone trở thành tâm điểm của toàn Việt Nam.
Chưa bao giờ, làn sóng ủng hộ hàng Việt
lại dâng cao đến thế. Rõ ràng hiệu ứng "made in Vietnam" cho một smartphone nhắm
vào tầng cao như BPhone đã khiến người dùng tỏ ra tin tưởng hơn. Chúng ta có thể
làm ra một chiếc smartphone đỉnh cao - trong tâm niệm của rất nhiều người Việt
đang khắc sâu điều này.
Chất lượng BPhone sẽ do chính người
dùng quyết định nhưng những gì BKAV đã làm là quá đủ để tạo ra sự tò mò trong dư
luận, sẽ có rất nhiều người thử đặt mua sản phẩm này vì 2 lý do: ủng hộ hàng
Việt và tò mò về "smartphone an toàn nhất thế giới". Và như vậy, rõ ràng BKAV đã
thành công.
Mặc dù vậy nếu nhìn về cuộc đua đường
dài, tôi cho rằng đây không phải cách hay để BKAV đưa BPhone vươn tầm thế giới,
hoặc ít nhất là trở nên phổ biến tại Việt Nam. Họ có nhiều cách để quảng bá sản
phẩm của mình, không cần phải khoa trương quá cỡ như vậy.
Tất nhiên, cũng xin đừng hiểu lầm vì
chính tôi cũng là người ngồi dưới khán đài giữa 2000 khách mời tham gia sự kiện
ngày 26/5. Thế nhưng, tôi mong chờ nhiều hơn là giá bán 9.990.000 đồng của
BPhone, đó là chưa kể tới việc chưa tính thuế VAT.
Thương
hiệu Việt tăng giá trị "niềm tin" - thương hiệu Trung Quốc xuống
giá
Không phải ngẫu nhiên mà kể từ khi
BPhone xuất hiện tại sự kiện CES 2015, hàng loạt các thương hiệu Việt được đem
ra cân đong đo đếm với sản phẩm của BKAV. Tiêu biểu là những cái tên như
Mobiistar, ứng dụng/game có Flappy Bird, kính thực tế ảo có Horus, hay thị
trường âm thanh là Joinhandmade.
Thế nhưng, điều khiến họ chưa thực sự
nổi như BPhone chính là việc thiếu đi những cái "nhất hiện nay", "nhất thế
giới", nhất, nhất và nhất. Việc BPhone "nổ tung trời như vậy hóa ra lại hay.
Bỗng dưng chính nhờ sự kiệm lời, có vẻ như người dùng trong nước lại thêm phần
tin tưởng những thương hiệu Việt khác.
Đơn cử như chiếc Mobiistar Prime X mới
được tung ra cách đây không lâu, dù hàm lượng chất xám được đầu tư chưa chắc đã
ngang bằng với BPhone, nhưng sản phẩm lại được đem lên bàn cân với siêu phẩm của
BKAV như 2 sản phẩm cùng dòng.
Có chăng, bởi suy nghĩ dám đi đầu trong
phân khúc smartphone cao cấp, người dùng lại khó chấp nhận BPhone như một đại
diện sáng giá của nước nhà đương đầu với những Apple iPhone hay Samsung Galaxy
S. Trong khi đó, ở những phân khúc sản phẩm thấp hơn, các thương hiệu Việt khác
lại bớt bị xét nét.
Ngược lại, những sản phẩm thương hiệu
Trung Quốc, ngoại trừ Xiaomi, ở cùng phân khúc dường như đang bị cơn sốt BPhone
làm cho lép vế. Người Việt công khai ủng hộ sản phẩm của nước nhà. Trong mắt họ,
giờ đây đã có một sự lựa chọn khác hợp lý hơn thay vì phải sử dụng các sản phẩm
dán mác Trung Quốc.
Thay
cho lời kết
Sẽ thật quá sớm để nói rằng BPhone
thành công hay thất bại, tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn mong đợi nhiều hơn ở BPhone
và BKAV sau đại sự kiện hoành tráng. Còn kết quả ra sao, chúng ta có thể cùng
hướng tới mốc thời điểm 2/6, ngày mai, khi BPhone chính thức được mở
bán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét